Gia Lai – Nhiều người lao động ở huyện Ia Grai đang tràn trề hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ được đào tạo, dạy nghề bài bản.
Nông dân tự sửa máy móc nông nghiệp
Trong căn nhà khang trang ở làng Breng 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, ông Ksor In (54 tuổi) tự tin lái xe công nông lên rẫy thu hoạch cà phê. Xe công nông này có trị giá hơn 150 triệu đồng nhằm giúp gia đình ông vận chuyển nông sản thuận lợi.
Ksor In chia sẻ: “Mình và nhiều thanh niên trong xã được đi học nghề sửa máy nổ công suất nhỏ. Tại lớp, mình được thầy giáo hướng dẫn cách để sửa chữa xe công nông, máy cắt cỏ, máy nổ, động cơ xe máy… Ai cũng tò mò, ham học hỏi, vì sát thực tế với đời sống, nhu cầu của người dân địa phương”.
Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở xã Ia Dêr đều phụ thuộc vào canh tác, sản xuất trên đất nông nghiệp. Xe công nông chạy lên tận rẫy cà phê, vườn điều để chở hàng.
Theo Ksor In, máy móc nhà nông hoạt động nhiều, liên tục nên rất dễ hư hỏng. Nhờ được giáo viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai xuống tận làng chỉ dạy tận tình, cách dạy dễ hiểu, dễ ghi nhớ, các hư hỏng máy nổ, sau đó, ông Ksor In đều tự tay mày mò và sửa được.
“Hiện mỗi làng ở Ia Dêr ước tính có hơn chục chiếc xe công nông phục vụ sản xuất của bà con. Ngày trước, mỗi lần máy nổ bị hư, người làng đều khó nhọc mang ra tiệm nhờ người sửa, chi phí rất tốn kém. Bây giờ, mọi người tự học hỏi giúp đỡ lẫn nhau, tự sửa máy nổ được, tiết kiệm khoản tiền kha khá để tái mở rộng sản xuất” – ông Ksor In nói.
Học nghề để tìm kiếm cơ hội mới
Chung làng Breng 2, anh Ksor Kông (26 tuổi) cho biết: “Các lớp học tổ chức dạy đều đặn, giúp các học viên có thêm kiến thức, kỹ năng, hiểu biết cơ bản về cơ cấu máy móc. Từ đó, học viên ứng dụng vào công nghệ, lao động nâng cao năng suất”.
Hàng tuần, các giáo viên tới tận nhà văn hóa cộng đồng của làng cùng với các món đồ nghề, máy móc, tài liệu học thuật… Thầy giáo cầm tay chỉ việc, hướng dẫn căn bản các lỗi hư hỏng chính về máy cho học viên.
Theo anh Ksor Kông, ngoài giờ học chính, một số học viên còn tự về nhà nghiên cứu tài liệu, tự học tập.
Nhiều lao động trẻ có mong muốn được mở riêng garage sửa chữa máy công suất nhỏ, tạo công ăn việc làm và nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình, phục vụ bà con địa phương.
“Nếu được chính quyền xã, huyện hỗ trợ nguồn vốn chính sách tín dụng, học viên sẽ thêm cơ hội tiến tới đầu tư mở garage sửa chữa. Người lao động cũng thuận lợi hơn khi xin việc vào các doanh nghiệp chuyên về chế biến nông sản, bảo dưỡng, duy tu hệ thống máy móc kỹ thuật. Vì họ đã được trang bị cơ bản, kỹ năng…” – anh Ksor Kông cho biết thêm.
Ông Siu Hnit – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr, huyện Ia Grai khẳng định: “Các lớp đào tạo dạy nghề giúp phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương có ý nghĩa rất lớn.
Khi trình độ, nhận thức người lao động được nâng cao thì tất nhiên, chế độ lương bổng, nguồn thu nhập của họ sẽ cải thiện đáng kể. Từ đó, góp phần tạo ra lực lượng lao động dồi dào, tạo ra của cải cho xã hội”.