(NLĐO)- Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Việt Nam cho rằng tái chế để kiểm soát PFAS cần được các doanh nghiệp ngành nhựa, bao bì quan tâm nếu muốn thâm nhập thị trường khó tính
Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đang đối diện với thách thức về kiểm soát kiểm định PFAS, đặc biệt là ngành nhựa bao bì đang khai thác nguyên liệu chính phẩm, nguyên liệu hóa thạch. Để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, doanh nghiệp đang tiêu tốn một khoảng chi phí lớn cho việc kiểm nghiệm, kiểm định… nhưng khó kiểm soát một cách triệt để.
TS Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, cho biết do các đặc điểm và tính năng cực kỳ khó phân hủy của PFAS đối với các hệ sinh thái, các quy định về sử dụng PFAS đang thay đổi. Liên minh châu Âu đang dẫn đầu trong việc điều chỉnh PFAS và các hóa chất liên quan trong bao bì, nhựa và các ngành công nghiệp khác. Các quy định của nó đã có tác động đáng kể đến thị trường toàn cầu cho các sản phẩm này.
“Về mặt quản ý nhà nước, chúng ta phải đưa vào ngay từ đầu để quản lý hóa chất độc hại. Đồng thời, trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp, đối với dây chuyền công nghệ, chúng ta phải kiểm soát được nguyên liệu đầu vào và kiểm soát được quá trình sản xuất của chúng ta. Việc sản xuất, vấn đề nước thải cũng cần được quan tâm để tránh lây nhiễm thứ cấp” – TS Trần Văn Lượng nói.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Việt Nam, cho rằng chuyện tái chế để kiểm soát PFAS cần phải được ngành nhựa, bao bì quan tâm nếu muốn thâm nhập thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và EU…
“Việc tái chế không chỉ là khẩu hiệu mà cần có những con số định lượng cụ thể. Để làm được, không giải pháp nào khác là phải cập nhật và chuyển giao công nghệ liên tục” – ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.