Đông Nam Bộ (ĐNB) là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, có trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn, đông dân cư tốp đầu cả nước. ĐNB có thế mạnh phát triển nông nghiệp, đồng thời cũng là thị trường nội địa giàu tiềm năng nhất để tiêu thụ nông sản được sản xuất trong khu vực và của cả nước.
Các tỉnh, thành vùng ĐNB như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… đang hình thành các trung tâm cung ứng, chế biến nông sản, các chuỗi logistics dành riêng kết nối tiêu thụ nông sản, đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản thông suốt, hiệu quả cung cấp cho vùng, cho cả nước và hướng đến xuất khẩu.
Thị trường tiêu thụ nội địa lớn
Đồng Nai được biết đến là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước và phát triển mạnh các vùng nguyên liệu sản xuất công nghiệp, cây ăn trái lớn. Không chỉ là vùng sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai nói riêng, ĐNB nói chung, phát triển mạnh về công nghiệp, thu hút đông lao động đến làm việc. Do đó, ĐNB còn là thị trường tiêu thụ lớn thuộc tốp đầu cả nước, nhất là về mặt hàng nông sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ĐNB là cực tăng trưởng kinh tế – xã hội của phía Nam và của cả nước. Đây là vùng sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như: trái cây và các nhóm thực phẩm, là chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi vô cùng quan trọng. Vùng cũng là khu vực tiêu dùng lớn của cả nước, trong đó có mặt hàng nông sản. Đặc biệt, vùng ĐNB đã có các chuỗi phân phối, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, với các chợ đầu mối, chuỗi siêu thị, các cửa hàng thực phẩm tiện lợi… để nâng cao năng lực phân phối tại chỗ, phát huy tăng trưởng nội vùng.
Phó giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho hay, thành phố có 3 chợ đầu mối với hơn 60% là hàng tươi sống, đồng thời tập trung nhiều hệ thống siêu thị lớn. Thành phố thu hút được các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam đầu tư hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng phân phối hàng hóa, trong đó có các mặt hàng nông sản. Chỉ tính riêng sản phẩm chăn nuôi, Thành phố Hồ Chí Minh bình quân tiêu thụ khoảng 10 ngàn con heo/ngày.
Tiêu thụ nông sản tại chỗ, trong vùng ĐNB đang được các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến nông sản, sản phẩm nông nghiệp đặc biệt quan tâm.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Thị Hương cho biết, DN luôn nỗ lực để sản phẩm của mình tốt lên và chính người tiêu dùng sẽ đánh giá, công nhận. DN đang hướng đến sản xuất xanh và sản phẩm được khẳng định khi đang cung cấp tốt vào các hệ thống siêu thị lớn tại Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. DN mong có thêm nhiều chương trình kết nối để mở rộng kênh tiêu thụ vào các siêu thị, bếp ăn tập thể tại Đồng Nai, nhất là thị trường tiêu thụ lớn Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoài An Food (thành phố Biên Hòa), chia sẻ DN mất một thời gian dài để chuẩn hóa nguồn thịt và các sản phẩm chế biến nhằm đảm bảo chất lượng an toàn cho sản phẩm cung cấp ra thị trường. DN rất mong được hỗ trợ để tham gia vào chương trình truy xuất nguồn gốc, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đây là cơ sở để DN tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững tại tỉnh nhà, cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường lớn nhất nước là Thành phố Hồ Chí Minh.
Về xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện được 50 chuỗi, 331 điểm bày bán nông sản an toàn. Các nông sản chủ lực đã có chuỗi liên kết gồm: thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa… với sản lượng bình quân gần 16 ngàn tấn/tháng. Trong đó, sản phẩm chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn với gần 13,9 ngàn tấn thịt và khoảng 10 triệu quả trứng/tháng.
Liên kết tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, các địa phương trong vùng ĐNB đã có sự hợp tác chặt chẽ trong xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của cả vùng.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Đồng Nai, nhất là các sản phẩm chăn nuôi. Từ nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai đã hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều đề án, kế hoạch xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi và nhiều nông sản khác. Vấn đề hợp tác được 2 địa phương đặc biệt quan tâm là đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng chuỗi cung ứng an toàn về nông sản, sản phẩm chăn nuôi cung cấp vào thị trường lớn nhất nước này.
Cũng thuộc nội dung hợp tác trên, vừa qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai phối hợp với Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa 2 địa phương.
Chương trình thu hút đông đại diện các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của 2 địa phương tham gia. Hội nghị tập trung giới thiệu thông tin, thực trạng và nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh; thông tin phương thức kết nối nông sản tỉnh Đồng Nai vào các kênh bán lẻ, hệ thống siêu thị; quy trình áp dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản…
Phó giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương đánh giá, các DN sản xuất, nhà cung cấp nông sản của Đồng Nai có thế mạnh về các loại gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, trái cây, rau củ… Quy trình sản xuất của DN, hợp tác xã của Đồng Nai khá chuyên nghiệp do sản xuất công nghiệp, nhưng đa số còn gia công cho các thương hiệu lớn. Các nhà phân phối của Thành phố Hồ Chí Minh đã có giao thương, kết nối với các nhà cung cấp tại Đồng Nai. Ngoài hợp tác với Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở rộng hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐNB và cả nước trong kiểm soát chất lượng nông sản. Vì việc kiểm soát chất lượng nông sản tại vùng nguyên liệu được chuẩn hóa, theo quy trình giám sát chặt chẽ của các nhà đầu tư sẽ thuận lợi rất nhiều cho các hệ thống phân phối và cả các cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cung cấp đến người tiêu dùng. Đây cũng là nỗ lực của các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn Đồng Nai đang hướng tới.
Công ty TNHH Trang Trại Việt có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ và trang trại công nghệ cao trồng rau, trái sạch trong nhà màng tại huyện Xuân Lộc. Đại diện DN cho biết, DN đầu tư trang trại với quy mô lớn, sản xuất theo chuẩn hữu cơ và đang trong quá trình làm chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm. DN rất khao khát được kết nối giao thương với các thị trường đầu ra. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường lớn nhất khu vực phía Nam nên mong hoạt động kết nối này được tổ chức thường xuyên hơn. Đây là sự hỗ trợ rất lớn để DN mạnh dạn tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất nông nghiệp chất lượng cao này.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho hay, Đồng Nai đã trải qua thời gian rất dài cung cấp thực phẩm tiêu dùng cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh nên có được niềm tin với các nhà cung cấp. Thông qua việc ký kết với Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện sự cam kết với các nhà cung cấp, Đồng Nai sẵn sàng đạt các tiêu chuẩn và kiểm soát yếu tố đầu vào để đảm bảo chất lượng cao nhất đáp ứng thị trường rộng lớn của Thành phố Hồ Chí Minh.