Trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau quả cả năm 2022 (3,16 tỷ USD).
Thậm chí, trong tháng 6 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt xấp xỉ 1 tỷ USD – một cột mốc đáng ghi nhớ.
Theo Tổng cục Thống kê, rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong nhiều năm qua, nhất là từ đầu năm đến nay. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD trong năm nay.
Có được kết quả trên là bởi những nỗ lực trong đàm phán của cơ quan chức năng và sự thay đổi trong tư duy sản xuất của nhà vườn, chủ doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản. Trong đó không thể không nhắc tới thị trường lớn nhất, nhiều thuận lợi nhất – Trung Quốc, tăng mua bởi các nghị định thư đã ký; và các loại nông sản nhiệt đới của ta vừa có chất lượng cao, vừa có lợi thế thời vụ lệch khung với nhiều nước có khí hậu nhiệt đới khác, lại có mùa vụ kéo dài hơn, ví dụ sầu riêng, nên đã tiếp cận và được vào nhiều thị trường bằng đường chính gạch, như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia, ngành chức năng đưa ra dự báo, xuất khẩu rau quả có thể đạt 5 tỷ USD ngay trong năm nay, về đích trước 2 năm (trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD vào năm 2025).
Xuất khẩu rau quả đang vào guồng, nhất là với thị trường chúng ta có nhiều lợi thế – Trung Quốc, bởi thời gian vận chuyển hàng hóa ngắn, chi phí logistic thấp và giá cạnh tranh. Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập 1 tỷ 765 triệu USD/2,8 tỷ USD xuất khẩu rau quả của nước ta. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ ngày càng thuận lợi hơn nếu các nhà sản xuất – doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu chúng ta đã ký kết trong các nghị định thư.
Nhưng vì nhiều lý do, một số lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật (thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng kiểm soát không chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía bạn quan tâm, làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định. Nếu không làm nghiêm, làm chặt, làm gắt gao thì nguy cơ thị trường xuất khẩu quan trọng này rơi vào tay đối thủ cạnh tranh là khá rõ ràng. Nếu mất thị trường này sẽ là thảm họa đối với kinh tế vườn – ngành kinh tế quan trọng của kinh tế nông nghiệp.
Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định: Nguyên nhân một số lô hàng trái cây của ta vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật, trước hết do ý thức trách nhiệm xã hội của một bộ phận người trồng, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu còn thấp, thêm vào đó là sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát vùng trồng và kiểm dịch.
Để tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc, đồng thời quản lý tốt và hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn yêu cầu chính quyền các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương tăng cường kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói và tại các cửa khẩu.
Theo đó, việc phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật để tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu (nhất là vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số) sang Trung Quốc biết và tuân thủ được coi là nhiệm vụ phải đi trước và quan trọng nhất.
Theo ý kiến nhiều nhà vườn, chủ doanh nghiệp và các chuyên gia, không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”, một số ít người làm ăn gian dối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả ngành hàng giàu tiềm năng với hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, các cơ quan chức năng cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương ở tất cả các khâu với hình thức xử lý nghiêm khắc nhất để vừa răn đe, vừa xây dựng ý thức trách nhiệm xã hội của mọi công dân. Đây là việc cần làm ngay.